Hơn 1.000 doanh nghiệp trong cả nước bắt đầu được tiếp cận với các hoạt động nâng cao nhận thức, tư vấn trực tiếp, đào tạo và kết nối giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.
100.000 doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) cho hay, cơ quan này vừa tiếp tục phối hợp đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số cho 100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế nhằm nâng cao nhận thức và năng lực triển khai CĐS cho doanh nghiệp trên địa bàn cả nước. Một trong những nội dung quan trọng tại sự kiện này là các doanh nghiệp được cung cấp các thông tin cụ thể về quá trình CĐS bắt đầu từ đâu, lộ trình CĐS và chỉ dẫn công nghệ như thế nào.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp được hướng dẫn tiếp cận từ 7 yếu tố trụ cột trong quá trình CĐS, bao gồm: Định hướng chiến lược của doanh nghiệp; CĐS mô hình kinh doanh (gồm CĐS trải nghiệm khách hàng, chuỗi cung ứng); CĐS năng lực quản trị, bao gồm nghiệp vụ quản lý tài chính, kế toán, pháp lý, lao động; hệ thống công nghệ thông tin và quản trị dữ liệu; quản lý rủi ro và an ninh mạng; con người và tổ chức.
Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho hay, đây là một trong các hoạt động nhằm triển khai Chương trình CĐS trong doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025. Chương trình này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ phối hợp thực hiện hướng tới mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về CĐS; tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về CĐS; tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình CĐS điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng.
Đồng thời, chương trình thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy CĐS cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.
Cần thu hẹp các khoảng cách về năng lực, tài chính
Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, từ đầu năm 2021 đến nay, chương trình CĐS thực hiện được nhiều hoạt động đáng chú ý như nâng cao nhận thức, tư vấn trực tiếp, đào tạo, kết nối giải pháp cho hơn 1.000 doanh nghiệp. Bước đầu cũng hình thành mạng lưới chuyên gia CĐS; kết nối các doanh nhân công nghệ thông tin Việt Nam tham gia khóa đào tạo, cố vấn, kết nối đầu tư của Quỹ Hợp tác Ngân hàng Thế giới - Hàn Quốc; xây dựng sổ tay CĐS và công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp.
Với chương trình CĐS hiện nay, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - ông Nguyễn Đức Trung - cho biết, phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo là xu hướng tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để các doanh nghiệp Việt Nam không bị tụt hậu, đảm bảo một tương lai phát triển bền vững.
Theo đó, chương trình CĐS được triển khai trong giai đoạn 2021-2025 hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp CĐS thông qua việc chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp số hóa các hoạt động kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp số hóa quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp CĐS toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp.
Khi xây dựng chương trình này, nhóm chuyên gia nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, Việt Nam có nhiều cơ hội, thuận lợi khi triển khai CĐS trong doanh nghiệp. Đồng thời, tỉ lệ thuê bao băng rộng (cả cố định và di động) cao so với một số quốc gia trong khu vực.
Sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động của đại dịch khiến giao dịch số/online tăng mạnh. Các giải pháp công nghệ thông tin tại Việt Nam đang phát triển rất đa dạng và sẵn sàng cùng với sự quan tâm, định hướng của Chính phủ, nhận thức của doanh nghiệp về CĐS được tăng cường và nâng cao.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp phải không ít khó khăn khi tiến hành CĐS như năng lực quản trị nội bộ chưa cao, cơ cấu tổ chức chưa hoàn thiện, tổ chức, quy trình chưa được chuẩn hóa; thiếu thông tin về thị trường giải pháp công nghệ thông tin phù hợp với doanh nghiệp, cũng như năng lực tài chính đầu tư cho CĐS còn hạn chế.
Từ thực tế trên, việc sớm nghiên cứu và đưa ra các giải pháp nhằm sớm thu hẹp khoảng cách về năng lực, khoảng cách về thông tin thị trường và khoảng cách về tài chính là những yêu cầu rất quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp CĐS nhanh chóng và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Theo Tổng Giám đốc Công ty Bosch Việt Nam - Guru Mallikarjuna, quá trình CĐS là rất cần thiết cho tất cả doanh nghiệp không kể ngành nghề, quy mô, hình thái kinh doanh. CĐS được Bosch nhìn nhận là quá trình tích hợp các công nghệ số một cách toàn diện vào hoạt động kinh doanh nhằm thay đổi để làm mới, sáng tạo và định hình lại các hoạt động kinh doanh cho phù hợp nhất với quá trình phát triển của thị trường.
Với các doanh nghiệp, bước đầu tiên của quá trình CĐS là cần xác định một tầm nhìn chung, một tầm nhìn có thể chia sẻ đủ sâu và mạnh để thúc đẩy quá trình hành động CĐS. Để làm được điều này, các doanh nghiệp nên lấy con người và khách hàng làm trung tâm.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần hỗ trợ các thành viên, các nhân viên của mình hiểu được sự thay đổi này là cần thiết và giúp họ sẵn sàng thay đổi để tạo ra những giá trị mới trong tương lai.
VĂN NGUYỄN
Nguồn: laodong.vn